Chủ Tịch Hồ Chí Minh - Nhà Ngôn Ngữ Học Vĩ Đại Nhất Việt Nam


Bởi Site Admin | 8 Tháng mười một năm 2021
Để xem bài viết này bằng các ngôn ngữ khác, vui lòng di chuột vào biểu tượng ngôn ngữ ở góc trên bên phải màn hình (đối với máy tính) hoặc nhấn vào nút ☰ ở góc trên bên trái của màn hình, sau đó cuộn xuống (đối với điện thoại). Tiếp theo, chọn ngôn ngữ bạn muốn.


Freelensia hân hạnh giới thiệu đến các bạn một trong những video tổng hợp đầy đủ nhất tư liệu Chủ tịch Hồ Chí Minh nói ngoại ngữ, bao gồm tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Nga. Bạn cũng sẽ được nghe giọng tiếng Việt - ngôn ngữ mẹ đẻ của Người. Phụ đề có sẵn ở một số ngôn ngữ, vui lòng nhấp vào [CC] để bật phụ đề.

https://youtu.be/F7Tt2rOYsVM

Chủ tịch Hồ Chí Minh (tên gốc Nguyễn Sinh Cung, còn được gọi là Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Ái Quốc hay Bác Hồ) là một trong những lãnh tụ đáng kính nhất của Việt Nam. Tài năng ngoại giao xuất chúng của Người phần lớn là nhờ khả năng ngoại ngữ. Điều này sẽ được làm rõ trong bài viết hôm nay.

Trong bản lý lịch đại biểu dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ VII, Bác đã ghi: 'Biết các thứ tiếng: Pháp, Anh, Trung Quốc, Ý, Đức, Nga'. Dựa vào những lần Bác đi thăm nước ngoài, cũng như những lần đón tiếp các phái đoàn ngoại giao tới thăm Việt Nam, chúng ta được biết Người còn sử dụng thông thạo nhiều ngoại ngữ khác, như tiếng Thái Lan, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Ả Rập, tiếng của nhiều dân tộc thiểu số Việt Nam, v.v. Bác nói được nhiều ngoại ngữ như thế nhờ ý chí quyết tâm đáng ngưỡng mộ.

Năm 1911 Bác xin làm phụ bếp trên tàu Amiral de Latouche-Tréville để tìm đến nước Pháp. Sau mỗi ngày làm việc nặng nhọc, đêm khuya Bác tranh thủ học đọc và viết tiếng Pháp. Ở Marseille không lâu, Bác xin làm trên tàu chở hàng và có điều kiện đi khắp các thuộc địa của Pháp để tiếp tục mở rộng vốn tiếng Pháp. Từ năm 1917 đến năm 1923, Người trở về Pháp, bắt đầu viết báo. Người cũng tích cực đến thư viện đọc sách và sưu tầm tài liệu, đi dự mít tinh, tạo lập các mối quan hệ thân thiết với những người có địa vị xã hội, nhân dân Pháp ở nước Pháp cũng như ở các nước thuộc địa. Người đã viết hai tác phẩm lớn bằng tiếng Pháp, đó là Đông Dương (1923- 1924) và Bản án chế độ thực dân Pháp (1925).

Thuở đầu mới đến nước Anh năm 1914, Hàng này Bác phải làm việc cực nhọc, tiết kiệm tiền để mua sách báo học tiếng. Tranh thủ thời gian buổi sáng, buổi chiều ra vườn hoa Hyde, ngồi ngoài trời lạnh cóng giúp chống lại buồn ngủ để học. Bác đã sử dụng tiếng Anh để đọc sách báo, nghiên cứu tài liệu, viết rất nhiều bài báo bằng tiếng Anh. Thời gian bị chính quyền Hồng Kông giam giữ, nhờ vào tiếng Anh, Bác đã quan hệ với nhiều người Anh tiến bộ, các nhà cách mạng. Trở về nước, trong những năm đầu ở Việt Bắc, Bác đã sử dụng tiếng Anh để liên lạc với các nước Đồng minh. Khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Bác đã viết nhiều thư bằng tiếng Anh cho Mỹ, kêu gọi họ công nhận độc lập chủ quyền của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Khi đến Liên Xô, năm 1923, Bác bắt đầu học tiếng Nga. Tại khách sạn quốc tế Astoria ở Leningrad, Bác học tiếng Nga từ những người đồng chí của mình. Sau đó Người được vào trường Đại học Phương Đông học một cách bài bản. Từ 1934-1938, Người còn học tại Trường Đại học Quốc tế Lênin, làm nghiên cứu sinh tại Viện nghiên cứu các vấn đề thuộc địa, làm luận án về Cách mạng ruộng đất ở các nước Đông Nam Á. Bác sử dụng tiếng Nga rất nhiều trong giao tiếp, viết báo, bài tham luận, bài nghiên cứu khoa học, dịch tiếng Nga sang tiếng Việt, tiếng Trung. Về nước lãnh đạo cách mạng Việt Nam, khi tiếp khách Nga hay đi thăm Liên Xô, Bác vẫn sử dụng tiếng Nga thành thạo, nhiều lần còn sửa dùm cho các đồng chí phiên dịch.

Khi còn nhỏ Bác đã được học chữ Hán một cách cơ bản, sau này Bác vào Huế học vẫn tiếp tục học chữ Hán. Người đến Quảng Châu năm 1924, làm việc trong phái đoàn của đồng chí Borodin với tư cách là cố vấn và người phiên dịch riêng. Bác dùng tiếng Trung để giao tiếp, kết nối, tham luận, phát biểu, giảng trong các lớp học. Bác đã viết báo bằng tiếng Trung phản ánh tình hình chính trị Trung Quốc, viết các bài diễn văn, tham luận, dịch các văn bản tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Anh sang tiếng Trung và ngược lại. Khi bị Tưởng Giới Thạch giam giữ hơn một năm ở Quảng Tây, Bác đã viết 134 bài thơ bằng chữ Hán, ghi trong tập Nhật ký trong tù rất nổi tiếng, được đánh giá cao, được in, được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới.

 

Xem thêm