Ký Ức Về Một Người Phiên Dịch


Bởi Site Admin | 28 Tháng tư năm 2021
Để xem bài viết này bằng các ngôn ngữ khác, vui lòng di chuột vào biểu tượng ngôn ngữ ở góc trên bên phải màn hình (đối với máy tính) hoặc nhấn vào nút ☰ ở góc trên bên trái của màn hình, sau đó cuộn xuống (đối với điện thoại). Tiếp theo, chọn ngôn ngữ bạn muốn.


Một trong những ký ức tuổi thơ còn in đậm trong tâm trí tôi diễn ra vào đầu thập niên 90. Mới chân ướt chân ráo bước vào lớp một, tôi được mẹ dẫn đến Khách sạn nổi Sài Gòn vào một buổi tối trước Giáng sinh. Tôi còn nhớ rõ cảm giác hôm đó: không khí mát mẻ của Sài Gòn sau một cơn mưa, những ánh đèn lung linh thắp sáng các ô cửa sổ của khách sạn, trong sảnh là một hộp kính chứa một lâu đài nhỏ được xây hoàn toàn bằng bánh quy và đường!

Dưới con mắt của một đứa trẻ lớn lên trong những năm Việt Nam mới mở cửa và còn rất nghèo, quang cảnh đó thật ấn tượng. Nó còn đặc biệt hơn khi tôi được chứng kiến mẹ mình ăn tối và đàm đạo cùng các doanh nhân Nhật Bản. Những người Nhật đó rất thân thiện. Họ hỏi han và tặng cho gia đình tôi một hộp bánh nhỏ được đóng gói rất đẹp, bên ngoài có những hoạ tiết mà tôi chưa từng thấy ở Việt Nam.

Mãi sau này tôi mới biết mẹ tôi không làm công việc gì quá ấn tượng. Bà chỉ là một phiên dịch viên cho các doanh nghiệp Nhật đang tìm kiếm cơ hội làm ăn tại miền Nam Việt Nam. Thời đó chưa có những tập đoàn đa quốc gia như Toyota, Aeon, hay các hiệp hội doanh nghiệp hùng hậu như bây giờ. Việt Nam vẫn còn đang bị Hoa Kỳ cấm vận, và các doanh nghiệp Nhật cũng rất dè dặt trong việc triển khai kinh doanh tại đất nước của chúng ta. Chỉ lác đác một vài công ty thương mại tới thiết lập văn phòng đại diện và xây dựng nền móng cho các dự án của họ sau này. Các doanh nhân Nhật Bản thậm chí còn chưa thể bay thẳng tới Việt Nam mà phải quá cảnh ở Bangkok.

Vào năm 1990, chi phí cho một ngày phiên dịch Nhật – Việt vào khoảng 25 USD. Bạn có thể tưởng tượng với tỷ giá 7.500 đồng / USD vào cái thời mà một tô bánh canh ngoài vỉa hè chỉ tốn có 500 đồng thì số tiền đó có giá trị tới mức nào.

Nhưng điều quý giá đối với gia đình tôi không chỉ là tiền mặt. Bằng chuyên môn của mình, mẹ tôi đã có cơ hội đi cùng các doanh nghiệp nhà nước sang Nhật Bản đào tạo và kết nối giao thương. Nhờ đó, gia đình tôi đã sắm được một chiếc TV JVC màu, bộ đồ chơi điện tử Nintendo, cùng nhiều món hàng giá trị mà nhiều người bạn đồng trang lứa của tôi nằm mơ cũng không bao giờ có được.

Mid '80s JVC TV/monitor | Audiokarma Home Audio Stereo Discussion Forums

Thực ra, tôi dùng từ “sắm” ở đây là hơi quá. Trong chuyến công tác tại Nhật Bản, đoàn của mẹ tôi được bố trí ở trung tâm tu nghiệp sinh cạnh một khu chung cư. Gần đó là bãi tập kết rác thải điện tử. Một số các chú trong đoàn là kỹ sư. Mọi người trong đoàn bàn nhau khuân các thiết bị về khách sạn để thử và giữ lại những thứ còn dùng được. Sau đó, mọi người nhờ các đối tác Nhật Bản gửi về Việt Nam qua đường biển. Những sản phẩm mà mẹ tôi mang về thời đó tốt đến mức khi tôi học hết cấp hai, chúng vẫn còn chạy tốt.

Ngoài thu nhập và hàng hoá, mẹ tôi còn được các doanh nhân Nhật Bản tặng quà. Thường họ sẽ tặng bánh kẹo, quần áo, rượu và đặc biệt hơn cả là thuốc lá. Biết thuốc lá “3 số 5” rất có giá tại Việt Nam, các bác Nhật hay mang sang cho mẹ tôi. Có khi họ hút không hết một bao thuốc và để lại vài điếu. Thời đó, một điếu thuốc 3 số vẫn có thể mang ra chợ bán lấy tiền.

Đối với riêng tôi, món quà giá trị nhất lại chính là những bữa tiệc tối tại các khách sạn sang trọng. Ngày nay, ta sẽ không bao giờ được thấy phiên dịch viên dẫn thành viên gia đình đến ăn tối cùng với khách hàng. Nhưng thời đó, có lẽ một phần do các quy tắc phiên dịch chưa được chuẩn hoá, và một phần là do mối quan hệ tốt mà mẹ tôi đã xây dựng được với các doanh nhân Nhật Bản mà việc tôi đi ăn với họ diễn ra khá thường xuyên. Chính tại đây, tôi đã học cách dùng dao nĩa đúng cách. Chúng tôi gần gũi tới mức tôi đã từng biểu diễn piano cho một bác Nhật, người mà sau mười mấy năm gặp lại vẫn hỏi mẹ tôi “Con của chị vẫn còn chơi piano chứ?”

Thời gian trôi qua thật nhanh. Các khách sạn năm sao tại Sài Gòn lần lượt được nâng cấp hoặc xây mới như Continental, Majestic, Caravelle hoặc sau này nữa là Equatorial và New World. Như một hệ quả tất yếu, Khách sạn nổi danh tiếng năm nào phải nhổ neo rời Sài Gòn vào năm 1997. Một năm sau đó, tôi rời Việt Nam đi du học, một phần là nhờ những đồng tiền phiên dịch của mẹ mình.

Sau hơn 15 năm, tôi trở về Việt Nam theo lời khuyên của mẹ tôi. Chẳng hiểu sao, số phận lại đưa đẩy tôi đến với nghề phiên dịch! Bằng nỗ lực của bản thân, năng lực dịch thuật của tôi dần được cải thiện. Sau 3 năm, tôi bắt đầu dịch cabin, mục tiêu mà mọi phiên dịch viên mới vào nghề đều hướng tới. Và khi thời đại 4.0 bùng nổ với sự phát triển của các ứng dụng kinh tế chia sẻ như Uber, Grab, tôi và các cộng sự đã xây dựng trang web freelensia.com, nền tảng kết nối phiên dịch viên và các khách hàng đầu tiên tại Việt Nam và trên thế giới.

Ngành phiên dịch đã thay đổi rất nhiều so với thời mẹ tôi. Mức phí 25 USD năm nào đã tăng lên tới 200 USD / ngày vào thời điểm trước dịch COVID-19. Tuy vậy, đại dịch đã ảnh hưởng rất nghiêm trọng tới đời sống của cộng đồng phiên dịch viên tại Việt Nam. Theo khảo sát của chúng tôi, hơn 80% các phiên dịch viên cho rằng COVID-19 đã làm giảm tổng thu nhập của họ, với 15% cho rằng không có thay đổi nhiều. Chỉ có 5% cho rằng thu nhập của họ đã được cải thiện, nhưng tôi đoán phần thu nhập thêm này đến từ những công việc khác (như là chơi chứng khoán) mà các phiên dịch viên bắt buộc phải tìm hiểu trong lúc rảnh rỗi.

Mặt khác, sự phát triển của Trí Tuệ Nhân Tạo, Dữ Liệu Lớn và những công cụ dịch thuật đã thu hẹp vai trò của người phiên dịch. Qua tìm hiểu, tôi thấy rằng các doanh nghiệp Trung Quốc sang Việt Nam tìm hiểu thị trường gần như chỉ sử dụng phần mềm dịch thuật trên điện thoại. Chỉ còn các doanh Nghiệp Nhật Bản và Hàn Quốc là thật sự còn sử dụng phiên dịch, nhưng sức ép cạnh tranh cũng đang bắt họ phải giảm thiểu chi phí, và rất nhiều trong số họ đã chuyển sang sử dụng tiếng Anh trong giao thương.

Công bằng mà nói, dịch bệnh và sự phát triển của công nghệ không chỉ mang lại thách thức mà còn là cơ hội cho ngành phiên dịch. Khi phương thức họp trực tuyến ngày càng được ưa chuộng, loại hình phiên dịch trực tuyến cũng “ăn theo”. Xu hướng này mang lại một nguồn khách hàng vô cùng to lớn và một sân chơi bình đẳng cho các phiên dịch viên. Với lợi thế chi phí sinh hoạt thấp, các phiên dịch viên giỏi tại Việt Nam có thể cạnh tranh sòng phẳng với các đồng nghiệp trên toàn thế giới. Trên thực tế, nền tảng Freelensia cũng đang chứng kiến sự gia tăng của những sự kiện phiên dịch xuyên quốc gia, xuyên múi giờ như vậy.

Vào những ngày cuối tuần, tạm gác lại công việc bận rộn, tôi vẫn thường ngồi ôn lại những kỷ niệm xưa cùng mẹ mình. Bà đã lớn tuổi và kiến thức tiếng Nhật đã mai một đi rất nhiều. Lâu lâu, chúng tôi lại nhận được những tấm bưu thiếp hoặc email hỏi thăm từ những vị khách hàng năm xưa. Có những người mấy chục năm rồi chưa đến Việt Nam, những người khác đã qua đời vì ung thư hay tai biến và người thân của họ là người viết. Đôi khi tôi thầm ước được gặp lại và cám ơn những người doanh nhân đó, được chỉ cho họ xem Việt Nam đã phát triển như thế nào trong những năm qua, và được kể cho họ về những dự định của tôi trong tương lai. Cuộc sống vẫn tiếp diễn tại Việt Nam và Nhật Bản, và tôi tin chắc những người phiên dịch viên sẽ có một vai trò mới, rất khác nhưng không kém phần quan trọng, trong nền kinh tế thế giới hậu COVID-19.

 

-Peter Nguyễn

Phiên dịch viên, Nhà Đồng Sáng Lập của Freelensia