Cách Thanh Toán Cho Phiên Dịch Từ Xa Năm 2021


Bởi Site Admin | 19 Tháng bảy năm 2021
Để xem bài viết này bằng các ngôn ngữ khác, vui lòng di chuột vào biểu tượng ngôn ngữ ở góc trên bên phải màn hình (đối với máy tính) hoặc nhấn vào nút ☰ ở góc trên bên trái của màn hình, sau đó cuộn xuống (đối với điện thoại) . Tiếp theo, chọn ngôn ngữ bạn muốn.


Khi đại dịch Corona tiếp tục làm gián đoạn các doanh nghiệp trên khắp thế giới, cơ hội làm việc từ xa đã có dịp bùng nổ trong suốt 2 năm qua. Trong ngành phiên dịch, thuê phiên dịch viên từ xa (thông dịch viên từ xa) từng là lựa chọn bất đắc dĩ, nhưng hiện nay cũng được cả khách hàng và phiên dịch viên ưa chuộng. Như đã nói trong bài viết Phiên Dịch Từ Xa Hoạt Động Như Thế Nào?, ngày càng nhiều khách hàng tìm phiên dịch viên từ nước ngoài để đáp ứng nhu cầu của họ về các ngôn ngữ hiếm, giá thấp hơn hoặc chất lượng cao hơn.

Nhưng một trong những mối quan tâm lớn nhất của cả hai bên là làm thế nào để thanh toán cho phiên dịch viên từ xa? Nói cách khác, làm cách nào để phiên dịch viên nhận được tiền công cho việc phiên dịch từ xa? Có rủi ro nào đối với thanh toán từ xa không? Phương thức thanh toán từ xa tốt nhất là gì? Bài viết của chúng tôi giúp bạn có được câu trả lời cho những mối quan tâm trên.

 

Làm thế nào để thanh toán cho phiên dịch viên tại chỗ?

 

Theo thông lệ, khách hàng sẽ trả tiền mặt cho phiên dịch viên tại chỗ ngay sau khi sự kiện phiên dịch kết thúc. Cách này được phiên dịch viên ở các nước đang phát triển ưa thích vì họ không cần phải kê khai khoản thanh toán này là thu nhập, do đó giảm được thuế thu nhập cá nhân. Thanh toán bằng tiền mặt khi sự kiện kết thúc là thời điểm thanh toán an toàn nhất cho cả hai bên. Trong một số trường hợp, phiên dịch viên tại chỗ cũng đồng ý nhận chuyển khoản ngân hàng trong vòng vài ngày sau sự kiện. Việc này rủi ro hơn so với thanh toán bằng tiền mặt, vì vậy thông thường phiên dịch viên chỉ chấp nhận cách thanh toán này đối với khách hàng quen biết hoặc các công ty trung gian có tên tuổi.

 

Làm thế nào để thanh toán cho phiên dịch viên từ xa?

 

Khách hàng không thể thanh toán bằng tiền mặt được nữa. Nếu khách hàng và phiên dịch viên từ xa ở cùng một quốc gia, việc chuyển khoản ngân hàng rất đơn giản và chi phí lại thấp. Nếu phiên dịch viên từ xa sống ở nước ngoài, khách hàng có 2 lựa chọn thanh toán từ xa: chuyển khoản ngân hàng truyền thống hoặc chuyển tiền trực tuyến (tức là hệ thống thanh toán điện tử hoặc hệ thống thanh toán thương mại điện tử).

 

1. Chuyển khoản ngân hàng

Hầu hết các ngân hàng đều có dịch vụ chuyển tiền quốc tế qua ngân hàng. Phương thức này an toàn và đáng tin cậy. Khách hàng đã tin tưởng ngân hàng mà họ gửi tiền vào sẵn rồi, và các quy định của chính phủ sẽ đảm bảo an toàn cho các giao dịch tài chính. Hơn nữa, phương thức này gần như có thể được thực hiện ở bất cứ đâu, vì ngân hàng thì có mặt ở hầu hết các thành phố. Đa số mọi người đều có tài khoản ngân hàng, vì vậy họ không cần mở tài khoản mới để chuyển tiền quốc tế nữa. Khách hàng cũng có thể thực hiện thanh toán trực tuyến để được hưởng phí giao dịch thấp hơn.

Tuy nhiên, phương thức thanh toán truyền thống này có thể tốn nhiều thời gian và chi phí. Chuyển tiền quốc tế qua ngân hàng thường mất khoảng 1-5 ngày làm việc tùy thuộc vào số lượng ngân hàng trung gian tham gia vào giao dịch. Thứ hai, khách hàng phải điền rất nhiều thủ tục giấy tờ. Đối với một số quốc gia như Việt Nam, nhà chức trách yêu cầu khách hàng cung cấp hợp đồng dịch vụ phiên dịch. Thứ ba, các ngân hàng thường thu phí rất cao. Theo Business Insider, một lần chuyển khoản quốc tế từ Mỹ ra nước ngoài sẽ có chi phí trung bình 45 USD từ phía khách hàng và thêm 15 USD từ phía phiên dịch viên. Tỷ giá hối đoái của các ngân hàng cũng thấp hơn tỷ giá thị trường trung bình (“mid-market rate” - tỷ giá mà bạn thấy trên Google hoặc xe.com). Do đó, số tiền thực tế mà phiên dịch viên nhận được có thể thấp hơn 10% so với số tiền khách hàng gửi ban đầu.

Nếu khách hàng ở Mỹ vẫn muốn thanh toán cho một phiên dịch viên từ xa ở nước ngoài bằng chuyển khoản ngân hàng, chúng tôi khuyên dùng Citibank. Dựa trên nghiên cứu của Freelensia, Citibank đưa ra mức phí giao dịch hợp lý nhất từ 25-35 USD cho chuyển khoản trực tuyến và tỷ giá hối đoái tốt hơn nhiều so với các ngân hàng khác ở Mỹ. Nhưng tất nhiên, việc lựa chọn ngân hàng còn phụ thuộc vào đất nước nơi phiên dịch viên từ xa đang sinh sống.

 

2. Chuyển tiền trực tuyến

Khách hàng cũng có thể gửi tiền cho phiên dịch viên từ xa thông qua các nền tảng chuyển tiền trực tuyến như PayPal, Wise (tên gọi cũ là TransferWise), OFX, Western Union, WorldRemit, hay Xoom (một dịch vụ của PayPal).

Chỉ với vài cú nhấp chuột trên thiết bị thông minh, việc chuyển tiền trực tuyến trở nên đơn giản và nhanh chóng. Khách hàng có thể gửi thanh toán bằng thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ hoặc tài khoản ngân hàng. Một số nền tảng thậm chí còn chấp nhận Apple Pay hoặc Google Pay. Phiên dịch viên có thể chọn để tiền trong tài khoản của họ và sử dụng nó để mua hàng trực tuyến, rút tiền về tài khoản ngân hàng của họ hoặc một nền tảng khác. Paypal thậm chí còn cho phép người dùng mua tiền điện tử bằng số dư Paypal của họ. Khách hàng có thể chuyển tiền bất cứ lúc nào trong ngày mà không cần đến phòng giao dịch. Cuối cùng, sử dụng dịch vụ chuyển tiền trực tuyến quốc tế để thanh toán cho phiên dịch viên từ xa giúp tiết kiệm chi phí cực kỳ nhiều, vì chúng có phí giao dịch thấp hơn và tỷ giá hối đoái cao hơn so với ngân hàng.

Chuyển tiền trực tuyến cũng có nhược điểm của nó. Người dùng có thể bị lừa và tài khoản của họ bị tấn công. Để sử dụng được tài khoản, khách hàng và phiên dịch viên phải tải lên thông tin nhận dạng, điều này gây ra rủi ro về quyền riêng tư và bảo mật. Một số nền tảng cũng giới hạn số tiền tối thiểu hoặc tối đa khách hàng có thể gửi. Ví dụ: nếu bạn gửi tiền từ Mỹ về Việt Nam qua Western Union, giới hạn giao dịch hàng ngày tối đa là 5,000 USD. Trong khi đó, khi gửi tiền từ Mỹ bằng nền tảng OFX, bạn bắt buộc phải gửi ít nhất 1,000 USD cho mỗi giao dịch.

Để hỗ trợ bạn lựa chọn nền tảng chuyển tiền trực tuyến tốt nhất, Freelensia sẽ so sánh Paypal và Wise, hai tên tuổi lớn nhất trong ngành. Cả hai đều cho phép bạn gửi tiền chỉ từ một vài đô la. Tuy nhiên, cả Wise và Paypal đều yêu cầu phiên dịch viên từ xa phải có tài khoản để xác nhận tiền và việc gửi thanh toán bằng tài khoản ngân hàng có thể mất đến 5 ngày làm việc. Chi tiết hơn về ưu và nhược điểm của từng nhà cung cấp được trình bày dưới đây.

  1. Paypal

Được thành lập vào năm 1998, Paypal được coi là hệ thống thanh toán trực tuyến lớn nhất. Vào năm 2020, Paypal có hơn 300 triệu người dùng trên toàn cầu. Tài khoản Paypal Mỹ đã xác thực sẽ cho phép bạn gửi tối đa 60,000 USD, so với 10,000 USD cho tài khoản chưa xác thực. Tuy nhiên, phí PayPal khá cao đối với các giao dịch nhỏ. Khách hàng Mỹ phải trả phí giao dịch là 5% (tối thiểu là 0.99 USD, tối đa là 4.99 USD). Paypal sẽ cộng thêm khoảng 4% phí chuyển đổi tiền tệ vào tỷ giá thị trường trung bình. Tùy thuộc vào loại tiền tệ của phiên dịch viên, họ cũng có thể phải trả phí rút tiền.

  1. Wise

Được thành lập vào năm 2011, Wise với mức phí thấp hơn, đã trở thành một đối thủ đáng gờm của Paypal, Western Union và các công ty tương tự. Wise có tổng cộng 8 triệu khách hàng trên toàn cầu vào năm 2020. Điểm hấp dẫn của Wise là tính minh bạch, vì khách hàng có thể thấy bảng phân tích phí trước khi thực hiện giao dịch. Đối với các giao dịch quốc tế, Wise lấy tỷ giá thị trường trung bình mà không cộng thêm chênh lệch. Khi gửi tiền từ USD sang các loại tiền tệ phổ biến như EUR (Euro), GBP (bảng Anh), AUD (Đô la Úc), v.v., Wise cho phép bạn gửi tới 1 triệu USD! Tuy nhiên, giới hạn tối đa này thay đổi đáng kể tùy thuộc vào đơn vị tiền tệ và quốc gia bạn chuyển tiền đến. Ví dụ, số tiền USD tối đa bạn có thể gửi sang CNY (Nhân dân tệ) và VND tương ứng chỉ là 7,000 USD và 12,000 USD.

Để minh họa, chúng tôi sẽ so sánh số tiền một phiên dịch viên ở Việt Nam nhận được bằng VND khi một khách hàng ở Mỹ gửi thanh toán 1,000 USD bằng số dư tài khoản ngân hàng. Tỷ giá hối đoái thị trường trung bình được ghi nhận vào ngày 23 tháng 6 năm 2021.

 

Paypal

Wise

Phí giao dịch (USD)

4.99

11.99

Phí chuyển đổi tiền tệ (cộng vào tỷ giá hối đoái cơ bản)

4%

0%

Tỷ giá hối đoái đã bao gồm phí chuyển đổi (1 USD sang VND)

       22,104

23,025

Phí rút tiền về tài khoản ngân hàng (VND)

60,000

0

Số tiền nhận (VND)

21,933,701

22,748,930

 

Khi khách hàng sử dụng Wise, số tiền cuối cùng phiên dịch viên nhận được sẽ cao hơn Paypal 815,229 VND. Xin lưu ý rằng chúng tôi không tính đến phí rút tiền mà ngân hàng địa phương sẽ thu (hay còn gọi là phí giao dịch liên ngân hàng), vì phí này khác nhau giữa các ngân hàng.

 

3. Làm sao phiên dịch viên từ xa đảm bảo được rằng họ sẽ được thanh toán đầy đủ?

Freelensia được biết về một số trường hợp diễn ra bên ngoài nền tảng của chúng tôi, nơi các phiên dịch viên từ xa không được khách hàng thanh toán khi sự kiện kết thúc. Khi phiên dịch viên bắt đầu làm việc với một khách hàng mới, chúng tôi gợi ý rằng họ nên yêu cầu Đơn đặt hàng từ khách hàng. Nếu không thì những xác nhận bằng văn bản qua fax hoặc e-mail cũng có giá trị pháp lý.

Bên cạnh đó, phiên dịch viên nên kiểm tra kỹ trang web của khách hàng và những đánh giá trực tuyến. Phiên dịch viên cần tránh làm việc với những khách hàng không cung cấp thông tin cơ bản về bản thân, chẳng hạn như số điện thoại, địa chỉ gửi thư, v.v. Nếu sự kiện phiên dịch kéo dài vài ngày, phiên dịch viên nên yêu cầu một khoản đặt cọc / trả trước, thường là 20-30%.

Việc chấp nhận một sự kiện phiên dịch trên Freelensia  giúp giảm rủi ro thanh toán cho phiên dịch viên. Khách hàng đăng ký trên Freelensia đã được yêu cầu sử dụng địa chỉ email của công ty họ, email này sẽ được chia sẻ với thông dịch viên sau khi họ chấp nhận đặt hẹn. Chúng tôi cũng sẽ giám sát chặt chẽ quá trình thanh toán và hỗ thúc đẩy khách hàng thanh toán đúng hạn. Trong trường hợp xấu nhất mà khách hàng không thanh toán, Freelensia sẽ cấm các tên miền email của họ hoạt động trên trang web của chúng tôi trong tương lai, và cũng có thể công khai thông tin của họ trong cộng đồng phiên dịch viên của chúng tôi.

 

Xem thêm